Các sở, ngành: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức liên quan thuộc các sở, ngành và UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối với các thủ tục hành chính thuộc 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông, nhất là các hồ sơ quá hạn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn: Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân sự, trang thiết bị làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đường truyền,… để thực hiện triển khai hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Phần mềm Dịch vụ công liên thông của Bộ Công an và giải quyết nhanh chóng, kịp thời đối với các hồ sơ liên thông đảm bảo đúng hạn. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính liên thông để người dân hiểu được ý nghĩa, lợi ích, qua đó tăng số lượng hồ sơ được thực hiện qua thủ tục hành chính liên thông tại địa phương, đơn vị, phục vụ triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 tỉnh.
Sở Tư pháp khẩn trương triển khai ký số bản điện tử trên dữ liệu (trích lục khai tử) thay thế cho hình thức scan bản giấy và ký số để đảm bảo khớp đúng giữa hồ sơ đính kèm với dữ liệu kê khai.
Sở Y tế tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo, quán triệt các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử đảm bảo đúng quy định; kịp thời điều chỉnh việc cập nhật dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử (cập nhật trường thông tin địa chỉ theo 4 cấp địa bàn hành chính).
Công an tỉnh tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bảo đảm kết nối, vận hành thông suốt giữa Phần mềm dịch vụ công liên thông với các phần mềm chuyên ngành của các Bộ, ngành liên quan, tránh “tắc nghẽn” trong quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân; tổng hợp khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai báo cáo Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan kịp thời có các giải pháp tháo gỡ.
Nguồn: Trung tâm PVHCC (MC)