- Về hạ tầng, công nghệ thông tin: Các sở, ban, ngành tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, an toàn, an ninh thông tin theo văn bản hướng dẫn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và truyền thông, Công văn số 647/STTTT-BCVTCNTT ngày 29/5/2023 của Sở Thông tin và truyền thông. Xây dựng phương án thuê hoặc đề xuất đầu tư các hạng mục theo văn bản hướng dẫn nêu trên. Giao Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.
- Về dịch vụ công trực tuyến:
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, để từ đó lựa chọn những dịch vụ công thiết thực, tần suất sử dụng cao gắn liền nhu cầu hằng ngày của người dân, doanh nghiệp, có đầy đủ các điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tiến tới cung cấp các ứng dụng (app) thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến hiệu quả với chính quyền theo chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương (thời gian hoàn thành trong tháng 9/2023).
Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã khẩn trương thực hiện chuyển đổi quy trình, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dụng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có (thời gian hoàn thành trong tháng 9/2023).
- Về dữ liệu: Tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả bảo đảm khắc phục tình trạng "manh mún", "cát cứ thông tin", "chia cắt" và "co cụm dữ liệu" như hiện nay.
- Về nguồn lực:
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ưu tiên vốn đầu tư công để thực hiện các nhiệm vụ của Chuyển đổi số và Đề án 06. Trường hợp các cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ sung vốn đầu tư công để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Để từ đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có căn cứ báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan ưu tiên bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên cho việc triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là ưu tiên bố trí vốn đối với các hạng mục đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin trong năm 2023 phục vụ Đề án 06, tránh tình trạng cắt giảm kinh phí hoặc đưa vào tổng thể chi phí chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị làm ảnh hưởng đến tiến độ chung về chuyển đổi số.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc rà soát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phục vụ việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn liên quan đến triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ gắn với yêu cầu chuyển đổi số (thời gian hoàn thành trong tháng 9/2023).
Nội dung chi tiết tại Công văn số 1511/UBND-NC.
Nguồn: hungyen.gov.vn