Các đại biểu tại buổi làm việc
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh…
Theo báo cáo, năm 2022, kinh tế của tỉnh phục hồi và tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng đạt 12,84%; trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,4%, giá trị sản xuất xây dựng tăng 37,15%, giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ tăng 19,45%, nông nghiệp - thủy sản duy trì mức tăng trưởng 2,87%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng chiếm 63,7% - Thương mại, dịch vụ chiếm 28,75% - Nông nghiệp, thủy sản chiếm 7,55%. GRDP bình quân đầu người đạt 101,8 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 58.293 tỷ đồng, tăng 47,24% so với năm 2021. Thu ngân sách đạt 51.410 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 46.984 tỷ đồng, thu thuế xuất, nhập khẩu 4.426 tỷ đồng…
Trong 4 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành nỗ lực, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (Nghị quyết số 01). Trong quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,14% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 13.898 tỷ đồng, tăng 72,4%. Toàn tỉnh đã tiếp nhận mới và điều chỉnh tăng vốn cho 79 dự án với số vốn điều chỉnh cấp mới và tăng thêm là 8.781,7 tỷ đồng và 169,8 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 537 doanh nghiệp, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2022 với tổng số vốn đăng ký mới đạt 15.746 tỷ đồng, tăng 127%.
Về tình hình đầu tư công và triển khai các dự án trọng điểm, năm 2023, kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao là 12.006,4 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết 8.676,7 tỷ đồng. Tỉnh giải ngân 4 tháng đầu năm 2023 là 1.348,2 tỷ đồng, đạt 11,2% kế hoạch Chính phủ giao, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được tỉnh đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó công tác giải phóng mặt bằng đạt kết quả cao…
Tại buổi làm việc, tỉnh đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương một số nội dung cụ thể. Theo đó, tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thành phần 1.2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua tỉnh Hưng Yên để tỉnh sớm triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh, trong đó có hệ thống Bắc Hưng Hải; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh thực hiện tốt việc xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; đề nghị phối hợp với tỉnh thẩm định tính khả khi của dự án về thoát lũ, đê điều để tỉnh triển khai dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hoá du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng bảo đảm tiến độ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xem xét có hướng dẫn cụ thể giúp tỉnh chuyển mục tiêu của dự án di dân, tái định cư sang hình thức đấu giá quyền sử dụng đất cho Nhân dân làm nhà ở; báo cáo Chính phủ cho phép tỉnh được sử dụng 10% diện tích bãi sông Hồng, sông Luộc để xây dựng công trình, nhà ở mới; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh tiếp tục thực hiện dự án xây dựng hạ tầng khu dịch vụ xã Phụng Công (Văn Giang) trên bãi sông Hồng với diện tích khoảng 20,5ha để sớm bàn giao đất cho Nhân dân vùng dự án. Tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, quan tâm chỉ đạo cho lập dự án đầu tư xây dựng các cầu vượt trên 9 vị trí nút giao trên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tham mưu Chính phủ phân kỳ đầu tư dự án tuyến cao tốc chợ Bến - Yên Mỹ và triển khai dự án vào giai đoạn 2021-2030. Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết thúc, đóng lại đề án xây dựng Khu Đại học Phố Hiến.
Các đại biểu của đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tập trung trao đổi những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01 như: Việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn. Các dự án phát triển nhà ở, dự án khu dân cư mới gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật quy định đối với loại hình này còn thiếu đồng bộ. Quy trình thẩm định, trình chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha sang mục đích khác mất nhiều thời gian. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy liên tục có sự thay đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng thực hiện… Các đề xuất, kiến nghị và những khó khăn, vướng mắc của tỉnh được đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương giải đáp cụ thể, gợi mở những biện pháp tháo gỡ.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn đoàn kết thống nhất, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, nghị quyết đề ra; cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để tỉnh triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu phát triển KT – XH. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa tiếp thu những gợi mở, giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đại biểu đối với tỉnh; đồng thời khẳng định trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung cao cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra từ đầu nhiệm kỳ, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao, biểu dương tỉnh Hưng Yên đã đạt được kết quả toàn diện trong phát triển KT – XH trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Phân tích tiềm năng, lợi thế, những thời cơ, thuận lợi, khó khăn thách thức của đất nước và các tỉnh, thành phố phải đối mặt, Đại tướng Tô Lâm yêu cầu, tỉnh Hưng Yên cần cố gắng hơn nữa, chủ động dự báo các tình huống để có những giải pháp phát triển phù hợp với tình hình và điều kiện của tỉnh. Đại tướng Tô Lâm gợi mở một số giải pháp cụ thể để tạo động lực đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Theo đó, tỉnh Hưng Yên tiếp tục cụ thể hóa và tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đề ra từ đầu nhiệm kỳ; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy chuyển đổi số là đột phá cho sự phát triển, tập trung theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Tỉnh tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; có cơ chế, chính sách kết nối giữa doanh nghiệp với trung tâm nghiên cứu khoa học. Về thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tỉnh phải quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong niên hạn tài chính; tập trung phân bổ hết nguồn vốn được Chính phủ giao. Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện quy hoạch trên cơ sở kế thừa quy hoạch trước và cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình mới, điều kiện mới; đồng thời đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, tập trung vào kết nối giao thông, trong đó có dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh. Tiếp tục rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kiên quyết thực hiện cắt giảm các dự án chưa cấp bách, chưa thực sự cần thiết, hiệu quả thấp để điều chuyển và tập trung vốn thực hiện các dự án trọng điểm. Cùng với đó, tỉnh quan tâm dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa bảo đảm tương xứng với phát triển kinh tế để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển.