Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Theo báo cáo tại hội nghị, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KHCN được hình thành và từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành. Nguồn cung hàng hóa KHCN từ các viện nghiên cứu, trường đã tăng đáng kể. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ. Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, tổng chi phí mua sắm công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2016. Cả nước hiện nay có trên 800 tổ chức trung gian được hình thành hoạt động trong lĩnh vực thị trường KHCN…
Tuy nhiên, thị trường KHCN ở nước ta mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung hàng hóa KHCN trong nước còn hạn chế. Các tổ chức trung gian, môi giới và hạ tầng của thị trường KHCN còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới…
Tại tỉnh ta, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, dự án, kế hoạch, chương trình về lĩnh vực KHCN để từng bước phát triển thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện nay có 7 doanh nghiệp KHCN, 9 tổ chức KHCN và UBND tỉnh đã cấp 12 giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 30 sản phẩm đặc thù, nổi tiếng của tỉnh… Ngoài ra, công tác hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KHCN trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, chú trọng, góp phần hình thành và thúc đẩy thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã xác định: “Phát triển mạnh thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá, chuyển giao công nghệ...” Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ý kiến của các đại biểu khi tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường KHCN ở nước ta hiện nay; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KHCN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể chính của thị trường KHCN; nguồn cung thị trường KHCN; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới; vai trò của các tổ chức trung gian, môi giới trong kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hoá KHCN; hạ tầng quốc gia của thị trường KHCN; các giải pháp đột phá để thị trường KHCN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập trong thời gian tới…
Thủ tướng Chính phủ mong muốn, sau hội nghị, thị trường KHCN sẽ được quan tâm để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Việc phát triển thị trường KHCN không được nóng vội, phải có lộ trình, hướng đi phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn cụ thể theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”. Trong phát triển thị trường KHCN phải lấy nghiên cứu KHCN là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, nhà khoa học là động lực và đặt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...