Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 237 điều. Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" (Nghị quyết số 18); giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp một số nội dung như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên sửa đổi theo hướng phù hợp, thống nhất, đồng bộ các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất. Luật cần định nghĩa cụ thể về đất công, cách quản lý đất công, sắp xếp lại việc sử dụng đất khu vực nhà nước. Quản lý giá đất, quy trình, thủ tục thu hồi đất; thể chế hóa vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai theo tinh thần của Nghị quyết số 18. Cần bổ sung rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của Nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất; công khai, minh bạch, bình đẳng giao đất, cho thuê đất. Làm rõ tiêu chí giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng…
Tại điểm cầu Hưng Yên, các đại biểu đóng góp ý kiến bằng văn bản với một số nội dung trọng tâm như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi được Quốc hội thông qua cần được khảo sát, xem xét những điều nào, vấn đề nào dễ phát sinh nhiều khiếu kiện để điều chỉnh nhằm tạo đồng thuận cao trong Nhân dân khi thi hành, hạn chế bức xúc, khiếu kiện. Quy định rõ việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất, nhất là đối với các dự án cho thuê đất lâu dài...