Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy vậy, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình kinh tế cả nước đã có bước hồi phục tích cực: GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011; tính chung 6 tháng GDP tăng 6,42% tương đương với mức bình quân trước dịch. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, chỉ số giá tiêu dùng bình quân CPI trong 6 tháng tăng 2,44%; tăng trưởng tín dụng đạt 8,85% so với cuối năm 2021; thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ; cân đối thương mại tiếp tục đà tăng trưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh; trong 6 tháng số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập tăng 25,4%, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp; công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân được bảo đảm. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nằm trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội hầu hết đạt kết quả tốt, đạt trên 48.000 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện cho vay tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP là 57,37 nghìn tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích thảo luận, cho ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nội dung: dịch Covid 19 diễn biến khó lường với các biến chủng mới; rủi ro của những cân đối lớn của nền kinh tế; áp lực lạm phát và tình hình giải ngân một số chính sách trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, đóng góp của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19, không được chủ quan, lơ là; rà soát tổng thể lại các quy định liên quan đến hoạt động mua sắm để đảm bảo cung cấp đủ thuốc, thiết bị vật tư, y tế; luôn bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để cụ thể hóa các chính sách vào chương trình, nhiệm vụ cụ thể; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; các địa phương cần chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trong toàn xã hội, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch và dịch vụ; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các Nghị quyết về phát triển vùng và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xanh; tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học sắp tới; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan nghiên cứu đánh giá kỹ vấn đề học phí để trình các cấp có thẩm quyền theo hướng giảm khó khăn cho phụ huynh, học sinh, đảm bảo phù hợp với điều kiện của đất nước hiện nay./.
Nguồn:hungyen.gov.vn