CHÚC MỪNG NĂM MỚI - XUÂN QUÝ MÃO 2023, CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, "CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ", "VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM ", LẤY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  13/04/2023     |  Lượt xem 521   

Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội làm việc với các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công

Ngày 13/4, tại Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (Ban Chỉ đạo) làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

 

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, các sở, ngành thuộc 12 tỉnh thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.

Toàn cảnh hội nghị
 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ quan tâm tạo điều kiện để triển khai thực hiện, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về tiến độ thực hiện. Trong đó, mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027; phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước để phục vụ khởi công dự án ngày 30/6/2023 . Dự án sau khi hoàn thành sẽ là “đòn bẩy” cho sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội, tạo tiền đề để thành phố Hà Nội và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua khảo sát tình hình thực tế, hiện nay, các mỏ vật liệu để phục vụ thi công dự án nằm trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố. Mặc dù Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các nghị quyết triển khai với một số cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu thông thường; tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả cần có sự vào cuộc trực tiếp của các địa phương trong vùng, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương với việc triển khai dự án, cơ chế phối hợp, điều phối chung giữa các địa phương. Tại hội nghị, các đại biểu cần trao đổi thẳng thắn, cùng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những giải pháp tối ưu để thực hiện khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

Theo báo cáo tại hội nghị, nhu cầu vật liệu của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội rất lớn, trong đó, đất đắp K98, K95, đắp bao ước cần khoảng 12 triệu m3; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu khoảng 10,4 triệu m3; cát xây dựng khoảng 3,4 triệu m3; đá khoảng 7,5 triệu m3; vật liệu đổ đi khoảng 4,7 triệu m3… Riêng tại Hưng Yên, đất đắp K98, K95, đắp bao ước cần khoảng 2,6 triệu m3; cát xử lý nền đất yếu khoảng 0,6 triệu m3; cát xây dựng khoảng 0,8 triệu m3; đá khoảng 1,9 triệu m3; vật liệu đổ đi khoảng 0,6 triệu m3. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị tư vấn đã khảo sát được 27 mỏ đất đắp trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng ước khoảng 110 triệu m3. Trong đó, dự kiến có 8 mỏ đất với tổng trữ lượng khoảng 15,8 triệu m3 có thể cung cấp cho việc triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn đã khảo sát được 42 mỏ/bãi tập kết cát trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng ước khoảng 82 triệu m3. Trong đó, có 5 mỏ cát có thể cung cấp cho dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, với tổng trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3. Về mỏ đá phục vụ thi công dự án, đơn vị tư vấn đã khảo sát được 42 mỏ trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 249 triệu m3. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại đã khảo sát được 12 vị trí đổ thải phục vụ thi công dự án trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng trữ lượng ước khoảng 4,2 triệu m3.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn phát biểu tại hội nghị
 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Hưng Yên được phép phê duyệt dự án thành phần theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được thực hiện sau. Số kinh phí giải phóng mặt bằng vượt so với số kinh phí nêu trong Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội thì cho phép tỉnh sử dụng nguồn lực hợp pháp để thực hiện. Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở dự án thành phần 2.2 và gửi tỉnh Hưng Yên trước ngày 15/4/2023 để làm căn cứ phê duyệt dự án thành phần 2.2 (đường song hành). Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 2.2; 1.2 để tỉnh có cơ sở phê duyệt dự án. 
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn, thủ tục đầu tư, bảo đảm nguồn cung vật liệu phục vụ cho việc thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù cho việc thực hiện dự án. Đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng phương án cụ thể cho việc khai thác các mỏ vật liệu trên nguyên tắc ưu tiên các mỏ gần, dễ khai thác. Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần; hướng dẫn quy trình thiết kế cơ sở. Các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư một cách quyết liệt, linh hoạt …

Nhân dịp này, Thành ủy – HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tặng quà lưu niệm 5 bộ, 11 tỉnh dự hội nghị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao quà của Thành ủy – HĐND- UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tặng tỉnh
 

 

Nguồn tin: baohungyen.vn

 
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 800672