CHÚC MỪNG NĂM MỚI - XUÂN QUÝ MÃO 2023, CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, "CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ", "VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM ", LẤY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  04/11/2021     |  Lượt xem 310   

Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Ngày 3.11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bằng hình thức trực tuyến toàn quốc. Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đồng chủ trì hội nghị

Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đặng Ngọc Quỳnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh...
 

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
 

Tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Kết luận số 19). Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ, mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cần lưu ý: Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khắc phục tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Trên cơ sở khả năng và quỹ thời gian, Đảng đoàn Quốc hội lựa chọn, xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong tổng số 193 nhiệm vụ do các cơ quan, tổ chức đề xuất. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu, các ngành, tổ chức liên quan cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Kết luận số 19 của Bộ Chính trị; các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập pháp, nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng luật để khi các văn bản luật được ban hành phải thực sự là khung khổ pháp lý, tạo môi trường minh bạch, công bằng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. MTTQ và các tổ chức thành viên nâng cao chất lượng giám sát việc xây dựng luật và lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp để các văn bản luật khi ban hành phải bảo đảm phù hợp với đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

 

 

Nguồn tin: baohungyen.vn

 
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 799584