CHÚC MỪNG NĂM MỚI - XUÂN QUÝ MÃO 2023, CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, "CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ", "VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM ", LẤY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  03/01/2022     |  Lượt xem 544   

Quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2022

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên đón chào năm 2022 trong niềm vui về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng nhanh, toàn diện sau 25 năm tái lập tỉnh, đồng thời vững tin rằng tỉnh sẽ áp dụng hiệu quả các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn tại lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác về phát triển thành phố thông minh giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc
 

Nhìn lại  năm 2021, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, vượt qua khó khăn của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn được kiểm soát, bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; tình hình kinh tế - xã hội đạt được kết quả tích cực so với bình quân chung của cả nước. Tỉnh hoàn thành toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,52%, cao hơn so kế hoạch và so với năm 2020 (kế hoạch tăng 6,0%; năm 2020 tăng 6,26%). Các ngành, lĩnh vực duy trì mức tăng trưởng khá: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% (kế hoạch tăng 8,0%); giá trị sản xuất: Công nghiệp và xây dựng tăng 8,74% (kế hoạch tăng 8,0%); thương mại, dịch vụ tăng 2,69% (kế hoạch tăng 3%); nông nghiệp và thuỷ sản tăng 2,78% (kế hoạch tăng 2,2%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5.167 triệu USD, đạt 107,6% kế hoạch, tăng 23,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 45.109 tỷ đồng, đạt 102,5% kế hoạch, tăng 7,06%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp, xây dựng chiếm 63,67% - thương mại, dịch vụ 27,65% - nông nghiệp, thủy sản 8,68%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 87,7 triệu đồng (kế hoạch 84,5 triệu đồng; năm 2020 đạt 78,7 triệu đồng). Thu ngân sách ước đạt 17.300 tỷ đồng, đạt 127,3% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2020. Thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá và bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32% (kế hoạch 1,5%; theo mức chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 là 2,55%). Tạo thêm việc làm mới cho 2,35 vạn lao động (kế hoạch 2,33 vạn lao động). Tỷ lệ làng, khu phố văn hoá 89,5% (kế hoạch 89,5%); tỷ lệ gia đình văn hoá 92% (kế hoạch 92%). Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 92%.

Sản xuất công nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Các doanh nghiệp luôn trong tình trạng vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa tìm kiếm thị trường mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% (kế hoạch năm tăng 8,0%). Công tác phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quan tâm. Có thêm 4 khu công nghiệp với tổng diện tích 587,7ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Tỉnh và các ngành chức năng đang nghiên cứu, khảo sát lập đề án bổ sung vào quy hoạch đối với 6 khu công nghiệp mới. Thực hiện giải phóng mặt bằng thêm khoảng 150 ha (đạt 150%  kế hoạch) và  đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ khoảng 100 ha đất khu công nghiệp (đạt 100% kế hoạch). Đến nay, có 16 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 763,19 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.918 tỷ đồng.

Trong năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 69 dự án đầu tư (giảm 34 dự án so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có 50 dự án trong nước và 19 dự án nước ngoài; đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 2.058 dự án (1.559 dự án trong nước, 499 dự án nước ngoài), tổng vốn đăng ký 244.096 tỷ đồng và 5.929,8 triệu USD. Có thêm 45 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 5.750 lao động.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Năm 2021, tỉnh có thêm 1.220 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 4,2%), số vốn đăng ký là 22.092 tỷ đồng (tăng 79,5%). Đến nay, toàn tỉnh có 13.405 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 144.022 tỷ đồng, trong đó có 66,3% số doanh nghiệp đang hoạt động.

Thương mại, dịch vụ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá so với cả nước với mức tăng giá trị sản xuất đạt khoảng 2,69%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 7,06%; xuất khẩu tăng 8,78%; nhập khẩu tăng 33,8%. Hoạt động quản lý thương mại được quan tâm, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt trong các khu vực thực hiện phong tỏa, khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Tỉnh chủ động sẵn sàng các giải pháp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong điều kiện dịch Covid-19, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Sản xuất nông nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản ước đạt 13.318 tỷ đồng, tăng trưởng 2,78% so với năm 2020; trong đó nông nghiệp ước đạt 11.860 tỷ đồng, tăng 2,55%; thủy sản đạt 1.448 tỷ đồng, tăng 4,69%. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo triển khai, nhất là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

Công tác thu ngân sách nhà nước hoàn thành vượt dự toán được giao. Kết quả tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 17.300 tỷ đồng, đạt 127,3% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2020, trong đó: Thu thuế xuất, nhập khẩu được 3.600 tỷ đồng, đạt 105,9% kế hoạch, tăng 6,5% so với năm 2020; thu nội địa được 13.700 tỷ đồng, vượt 34,4% dự toán, tăng 4% so với thực hiện năm 2020. Chi ngân sách bảo đảm đúng kế hoạch, hiệu quả. 

Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao. Ngay từ đầu năm, tỉnh tích cực chỉ đạo giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và điều chuyển kế hoạch vốn giữa các công trình, dự án chậm triển khai sang các dự án có tiến độ nhanh. Kế hoạch vốn giao 6.070 tỷ đồng; giải ngân ước đạt 96% kế hoạch.

Hoạt động quản lý đất đai tiếp tục được tăng cường. Công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng, định giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được triển khai quyết liệt. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị, UBND tỉnh ban hành Đề án về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Hoạt động bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm. Đã xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở phát sinh chất thải lớn. Đồng thời tiếp tục phối hợp với thành phố Hà Nội trong việc kiểm soát, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải và cải thiện môi trường các kênh, mương, ao, hồ trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Trong năm hoàn thành đầu tư hơn 150 km đường giao thông ở các cấp đường. Tích cực triển khai đầu tư các dự án: Dự án xây dựng tuyến đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376; phối hợp triển khai dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2)… Công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường sông được thực hiện theo đúng kế hoạch,  bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Các cơ sở giáo dục đã tổ chức  dạy học trực tuyến chính khóa theo chương trình giáo dục, bảo đảm theo tiến độ chương trình năm học 2021 - 2022 đúng quy định. Các hoạt động y tế dự phòng được triển khai hiệu quả, chế độ giám sát dịch được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, tăng cường và mở rộng công tác xét nghiệm, chủ động với các tình huống phát sinh. Bố trí 16 cơ sở y tế thực hiện thu dung, tiếp nhận, cách ly, điều trị; 36 đội phản ứng nhanh, cơ động chống dịch tuyến tỉnh, tuyến huyện. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và trang bị thiết bị để đối phó nhanh với tình huống khi có dịch xảy ra. Công tác tuyên truyền được triển khai đa dạng, liên tục, phù hợp với tình hình thực tế để người dân chủ động, không hoang mang, lo lắng. Công tác thu dung, cách ly, điều trị thực hiện tích cực, kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định và bảo đảm an toàn. Công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đẩy nhanh. Công tác quản lý môi trường y tế được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, không lây lan các bệnh nguy hiểm ra cộng đồng. Tỉnh kịp thời triển khai các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. 

Công tác cải cách thủ tục hành chính có kết quả tốt, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch công việc với các cơ quan, đơn vị. Tỉnh công bố 1.444 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp 912 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 570 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Các vấn đề xã hội tiếp tục được quan tâm giải quyết, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của Nhân dân nhìn chung được cải thiện nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn hạn chế như: Khu vực nông nghiệp, thủy sản gặp khó khăn trong thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ; nguy cơ thiên tai, dịch bệnh trong chăn nuôi vẫn luôn tiềm ẩn; công tác xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chưa được nhiều; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ, trình độ quản lý, công nghệ, sức cạnh tranh chưa cao, tiềm lực tài chính hạn chế, khó tạo được sự thay đổi lớn về chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động xúc tiến thương mại bị hạn chế, một số nội dung không thể tổ chức theo kế hoạch; việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố không thể triển khai. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm so với cùng kỳ, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn đầu tư nhà nước tăng 19,34%). Tiến độ thi công một số công trình giao thông còn chậm, nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản vẫn diễn biến phức tạp. Các hoạt động văn hoá, xã hội gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh; giáo dục - đào tạo phải thực hiện theo hình thức trực tuyến, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Tình hình trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp; vi phạm trong quản lý đất đai, hành lang công trình thuỷ lợi, đê điều chưa được khắc phục triệt để.


Sản xuất tại Công ty TNHH Tôn Hòa Phát (Văn Lâm)
Sản xuất tại Công ty TNHH Tôn Hòa Phát (Văn Lâm)
 

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình thế giới và trong nước còn chịu tác động bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, tỉnh đặt ra mục tiêu: Quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư; bảo đảm chủ động tự cân đối ngân sách. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, chú trọng hơn ở các khu vực trọng điểm để thúc đẩy lan toả phát triển. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022 là: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7%. Giá trị sản xuất: Xây dựng tăng 5%; thương mại, dịch vụ tăng 5,5%; nông nghiệp, thuỷ sản tăng 2,2%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 64% - thương mại, dịch vụ 28% - nông nghiệp, thủy sản 8%. GRDP bình quân đầu người 95 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu 5.600 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 48.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 42.000 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn 19.525 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa 15.925 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 3.600 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 16.751,7 tỷ đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển 9.049 tỷ đồng, chi thường xuyên 7.490,5 tỷ đồng. Phấn đấu có thêm 10 - 15 xã đạt nông thôn mới nâng cao, có từ 8 đến 10 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%. Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%. Tạo thêm việc làm mới cho 2,5 vạn lao động. Tỷ lệ hộ nghèo 2,2% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025). Tỷ lệ làng, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hoá 89,5%; tỷ lệ gia đình văn hoá 92%...

Để đạt được kết quả trên, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra. Tăng cường huy động nguồn lực toàn xã hội cho đầu tư phát triển. Tạo đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về: Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, ngành thương mại; phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tăng cường kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức thương mại điện tử; tập trung hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh. Tiếp tục triển khai Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu. Huy động nguồn lực đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất. Tập trung khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tăng cường phân công, phân cấp trong thực thi công vụ. Chấn chỉnh kỷ cương, lề lối, tác phong của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các lĩnh vực dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực. Duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh (phiên bản 2.0). Xây dựng và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Tập trung hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh; các quy hoạch lớn trọng điểm: Quy hoạch chung thị xã Mỹ Hào, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. 

Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa - xã hội. Tăng cường các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với diễn biến của dịch bệnh, tuân thủ nghiêm túc các quy định của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm ổn định đời sống đối với người lao động, người nghèo và đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn thông tin mạng, đấu tranh hiệu quả với tội phạm công nghệ cao; bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ. 

Nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Nhân dịp đón năm mới 2022, tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, những người con của quê hương Hưng Yên đang công tác, sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài, người nước ngoài đang công tác, làm việc tại Hưng Yên cùng toàn thể Nhân dân trong tỉnh năm mới mạnh khỏe, an khang và thịnh vượng.

TRẦN QUỐC VĂN

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Nguồn: baohungyen.vn

 
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 799504