Ngày 25/6, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Tháp tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1).
Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới điểm cầu Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Tháp. Dự lễ khởi công tại điểm cầu thành phố Hà Nội có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội: Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Cùng dự có đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, thành viên Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Các đại biểu dự lễ khởi công tại điểm cầu Hưng Yên
Các đại biểu dự lễ khởi công tại điểm cầu Hưng Yên
Dự buổi lễ tại điểm cầu Đồng Tháp có các đồng chí Uỷ viên BCH Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp; lãnh đạo một số tỉnh và bộ, ngành Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh...
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tổng chiều dài dự án khoảng gần 113km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội dài khoảng 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng dài 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 35,3km. Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với bề rộng 17m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 85,8 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2026 dự án sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài gần 27,5km. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là gần 5.900 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2027.
Tại buổi lễ, các đại biểu nghe báo cáo khái quát tình hình triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1); đại diện đơn vị thi công báo cáo tình hình triển khai chuẩn bị thi công các dự án, cam kết về tiến độ và chất lượng thi công các dự án.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm điều kiện khởi công 2 dự án. Đồng thời nhấn mạnh, để công trình được hoàn thành bảo đảm an toàn, đúng tiến độ, chất lượng và đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật, các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công một cách nhanh nhất có thể; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng phần còn lại của dự án. Chú trọng việc bố trí tái định cư, di chuyển mồ mả, bảo đảm an sinh-xã hội cho người dân trong vùng dự án. Chủ động các phương án bố trí nguyên vật liệu, bãi thải, đường gom phục vụ thi công dự án. Kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.