Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Sau nhiều lần tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tầng lớp Nhân dân và chỉnh sửa, bổ sung, Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được đưa ra lấy ý kiến lần này gồm 6 chương, 49 điều với các nội dung quy định, điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; quy định quyền, nghĩa vụ công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn; Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quyết định và tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát ở cơ sở; trách nhiệm bảo đảm thực hiện và quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Tại hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu đã đóng góp nhiều ý kiến với các nội dung như: Sự phù hợp của Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với quan điểm của Đảng về dân chủ và thực hiện dân chủ ở cơ sở; sửa tên Dự thảo luật thành Luật Dân chủ ở cơ sở; quy định rõ quyền tự quản ở cơ sở; việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, doanh nghiệp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; công khai thông tin ở cơ sở để bảo đảm yêu cầu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Luật cần quy định rõ hơn vai trò của Ban thanh tra nhân dân ở cơ sở; tăng cường vai trò giám sát của Nhân dân để cán bộ tự rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong thời kỳ mới…