Dự họp tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh); Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu của tỉnh |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá trong tháng 3, tình hình dịch bệnh trong nước có những tín hiệu rất tích cực khi số ca nhiễm trong cộng đồng, số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong đều giảm. Điều này tạo điều kiện để tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nối lại các hoạt động đối ngoại trực tiếp, mở cửa lại hoạt động du lịch, đón phần lớn học sinh trở lại trường… Bên cạnh đó, trong nước cũng bộc lộ những khó khăn nội tại. Do đó, chúng ta vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa phải xử lý các vấn đề đột xuất, nảy sinh, đặc biệt cả nước tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19.
Theo báo cáo tại phiên họp, cả nước đã ghi nhận trên 10 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 83,4% đã khỏi bệnh, trên 42,7 nghìn ca tử vong. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%. Dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Trong 3 tuần đầu tháng 3, số ca mắc tăng cao nhất do biến thể Omicron chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.
Ban Chỉ đạo đánh giá nguyên nhân của kết quả phòng, chống dịch thời gian qua: Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quy mô lớn nhất trong lịch sử; là một trong những quốc gia có số liều tiêm vắc xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới với tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 99%, mũi 3 đạt 49%. Năng lực y tế đáp ứng trong đợt cao điểm của dịch, bảo đảm đủ thuốc điều trị…
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác an sinh xã hội được tăng cường. Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17.3.2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung, thảo luận, đánh giá kết quả trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua; rút ra bài học kinh nghiệm; thảo luận, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản, giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh. Vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì không quá bị động, bất ngờ. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17.3.2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đối tượng nguy cơ cao; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà.
Các địa phương đánh giá xu hướng tăng, giảm ca nặng, số ca nhập viện so với ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế; nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách về an ninh, an toàn trật tự xã hội, an sinh xã hội; huy động nguồn lực, tài chính, làm tốt công tác dân vận để Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.