Dự phiên họp tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 đã nêu rõ yêu cầu ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Với tinh thần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn ngoài nhà nước, từ đó tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian, động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tự lực, tự cường để triển khai các công việc.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, sau phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo, điều hành tại các cuộc họp chuyên đề; trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án, kịp thời ban hành các văn bản, chỉ thị, công điện tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt về giải phóng mặt bằng (GPMB) và cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) cho dự án. Đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, 12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua đã bàn giao mặt bằng 624,34/721,2 km, đạt tỷ lệ 87%; 14 địa phương có 3 dự án cao tốc Đông - Tây và 2 đường vành đai đã triển khai GPMB đáp ứng tiến độ khởi công, trong đó một số địa phương triển khai tốt như Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và Thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 85%...
Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận, tham gia góp ý, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: Việc tổ chức thực hiện các dự án; bảo đảm nguồn vật liệu thực hiện dự án; việc triển khai các dự án tái định cư...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn cho biết, Hưng Yên được Quốc hội giao chủ quản dự án thành phần 1.2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên và dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Hưng Yên thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB diện tích đất nông nghiệp, đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây 110kV, 220kV, 500kV. Đến ngày 10/7, đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư được 149,6/190,9ha (đạt tỷ lệ 78,3%) (đã trừ diện tích đất giao thông, thủy lợi khoảng 40 héc-ta); số kinh phí đã bồi thường, hỗ trợ cho Nhân dân đạt gần 743 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương quan tâm, xem xét chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công – dự toán thành phần 1.2 và 2.2 để tỉnh sớm triển khai các bước tiếp theo.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Trong đó, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” để bảo đảm tiến độ thi công đã cam kết và đáp ứng kế hoạch giải ngân; chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục khai thác các mỏ VLXD để phục vụ dự án. Các bộ, ngành của Trung ương tập trung hỗ trợ các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trong quá trình triển khai dự án; đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán các dự án thành phần; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, nghiệm thu các công trình. Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án theo mốc tiến độ yêu cầu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Quá trình thực hiện các công trình, dự án phải chú trọng theo dõi, đôn đốc, giải quyết hiệu quả những vướng mắc phát sinh…