Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 8/2021, cả nước có 397 khu công nghiệp đã được thành lập (trong đó có 04 khu chế xuất); số khu công nghiệp đi vào hoạt động là 291 và 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456 nghìn lao động nước ngoài), tăng khoảng 90 nghìn lao động so với cuối năm 2020. Cả nước có 03 khu công nghệ cao được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích khoảng 3.000 ha; có 968 cụm công nghiệp đã được thành lập với 730 cụm công nghiệp đã hoạt động thu hút khoảng 13.500 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho trên 580.500 lao động. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tuy nhiên các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD (tăng 7,3% về số vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2020). Lũy kế đến cuối tháng 8 năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được khoảng 10.963 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 230 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 68,9%.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các kiến nghị về một nội dung như: cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp; chi phí liên quan đến việc cách ly, xét nghiệm; thời gian giải quyết, thông quan các lô hàng xuất nhập khẩu; hướng dẫn về phân luồng, bóc tách các F0, F1 khỏi môi trường làm việc.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp việc phục hồi sản xuất kinh doanh và tháo gỡ các khó khăn hiện nay cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới địa phương và các doanh nghiệp. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động tổng hợp nắm bắt khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp để kịp thời giải quyết; tập trung vào các vấn đề quan trọng đặc biệt là thu hút đầu tư. Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vắc xin về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp; hướng dẫn các giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động để duy trì trạng thái sản xuất bình thường mới. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức phân luồng giao thông phù hợp, đảm bảo lưu thông hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tạo thuận lợi để công nhân di chuyển, hạn chế thấp nhất việc ách tắc giao thông. Các doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng phương án phục hồi, trở lại sản xuất kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: hungyen.gov.vn