Theo đó, nhằm khẩn trương khắc phục các sai lỗi về hệ thống kiểm soát, tiếp tục duy trì uy tín chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:
- Rà soát, tham mưu UBND tỉnh/thành phố hoàn thiện tổ chức, bộ máy, phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực nông lâm thuỷ sản nói chung và thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018, Thông tư 32/2022/TTBNNPTNT ngày 30/12/2022 và Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc; chịu trách nhiệm báo cáo các nội dung liên quan đến lĩnh vực được giao, được phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018, Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022; Tham mưu UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo đơn vị được phân cấp quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh thống kê cập nhật danh sách (tàu cá có chiều dài dưới 15m, cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ,…), đẩy mạnh công tác ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện cam kết theo quy định tại Thông tư 17/2018/TTBNNPTNT.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm trong công tác thi hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nuôi trồng, khai thác, thu mua, sơ chế thủy sản.
- Tổ chức xác minh, truy xuất nguồn gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật (bao gồm áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, công khai hành vi vi phạm…), triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm khi đã xác định được cơ sở nuôi sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm; tổ chức, cá nhân mua bán thuốc thú y, hóa chất cấm sử dụng.
- Quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức, kiểm tra viên về an toàn thực phẩm tại địa phương, thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực, chất lượng công tác của đội ngũ này nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nói chung, thủy sản nói riêng.
- Chủ động phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng ở địa phương để thu thập thông tin, điều tra, xác minh, triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh hóa chất, kháng sinh cấm trong sản xuất nông nghiệp.
- Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng thủy sản đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và đăng ký cơ quan thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Tạo kênh tiếp nhận và xử lý các phản ánh về việc vi phạm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản, mua bán thuốc thú y thủy sản và hóa chất cấm sử dụng.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Nguồn:hungyen.gov.vn