Năm 2023, công tác đảm bảo ATTP có những biến chuyển tích cực rõ rệt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP có sự phối hợp giữa các đơn vị từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã; mạng lưới truyền thông được cải thiện tạo điều kiện để người dân tiếp cận các kiến thức, văn bản pháp luật về ATTP; công tác kiểm soát dịch bệnh, dư lượng chất kháng sinh, chất cấm trên gia súc, gia cầm, thức ăn thuỷ sản được đẩy mạnh; mở rộng vùng nguyên liệu thực phẩm an toàn. Một số chợ đầu mối đã được sửa chữa, xây dựng mới bảo đảm vệ sinh, môi trường... Toàn tỉnh tổ chức tập huấn, hội thảo, truyền thông kiến thức pháp luật về ATTP cho 21.448 lượt người.
Các đại biểu dự hội nghị
Trong năm 2023, toàn tỉnh thành lập 530 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP đối với 9.177 cơ sở. Kết quả, phát hiện 1.937 cơ sở thực phẩm có vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 283 cơ sở, với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng; hướng dẫn, nhắc nhở, cho thời gian khắc phục tồn tại 1.654 cơ sở. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tiến hành lấy 4.328 mẫu thực phẩm, qua kiểm nghiệm phát hiện 147 mẫu vi phạm.
Một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác bảo đảm ATTP năm 2024 gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về ATTP. Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng tới khỏe người tiêu dùng; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương thúc đẩy phát triển vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn. Tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Tháng hành động vì ATTP năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 có chủ đề Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, với các hoạt động trọng tâm như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành; lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, giám sát mối nguy gây mất ATTP…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo tỉnh khẳng định, vấn đề vệ sinh ATTP ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng đời sống người dân. Vì vậy, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác quản lý về ATTP theo phân cấp. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, mô hình bếp ăn tập thể an toàn. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động và giám sát công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Cơ quan báo chí của tỉnh thông tin rộng rãi các mô hình, gương điển hình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; công khai các cơ sở vi phạm ATTP trên các phương tiện truyền thông để người dân biết…; tuyên truyền các mối nguy mất ATTP, cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Từ tỉnh đến cơ sở rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phần lớn cơ sở thực phẩm thuộc quản lý cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử phạt còn hạn chế. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành tỉnh hướng dẫn các địa phương rà soát, phân loại cơ sở thực phẩm có điều kiện và không có điều kiện để đưa vào quản lý hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sức khỏe người dân.
Nguồn tin: baohungyen.vn