Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; Thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy…
Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Tổng sản phẩm tốc độ bình quân trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2002 – 2020 tăng bình quân 9,46%/năm, GRDP năm 2021 đứng thứ 13 cả nước; quy mô nền kinh tế của tỉnh đến năm 2021 tăng gấp 14 lần so với năm 2005, gấp 42 lần từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) và trở thành một tỉnh khá trong cả nước và khu vực. Các ngành, lĩnh vực then chốt phát triển khá, sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 18,03%/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Thu ngân sách Nhà nước đạt nhiều kết quả nổi bật, đến năm 2017 tỉnh được Trung ương giao tự cân đối và có điều tiết về ngân sách Trung ương. Thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống Nhân dân. Hoạt động xuất khẩu có sự phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng nhảy vọt vượt ngưỡng 5,1 tỷ USD vào năm 2021 (gấp gần 25 lần so với năm 2005), bình quân giai đoạn 2005-2020 tăng 22,63%/năm. Sản xuất nông nghiệp liên tục phát triển bảo đảm an ninh lương thực vững chắc; cơ cấu cây trồng vật nuôi có sự chuyển dịch tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên, năng suất lao động xã hội được cải thiện.
Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế và xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh được quan tâm chú trọng, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Về định hướng phát triển của tỉnh: Phấn đấu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững trở thành tỉnh có trình độ phát triển ở mức khá của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; theo hướng trở thành một đô thị thông minh, xanh, môi trường sống tốt; có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; đời sống nhân dân được nâng cao; bản sắc văn hoá được bảo tồn và phát huy; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường. Phấn đấu đến năm 2045, Hưng Yên trở thành thành phố thông minh, giàu đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại, xã hội phát triển hài hoà, có bản sắc văn hóa riêng, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.
Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt khoảng 8,0%/năm giai đoạn 2021-2025; đạt khoảng 8,5%/năm giai đoạn 2026-2030; tăng bình quân 8,2/năm thời kỳ 2031-2045. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 48-50%, đến năm 2030 khoảng 55% và đến năm 2045 khoảng 70%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1% vào cuối năm 2025...
Dưới sự điều hành của đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu đã thảo luận về nguyên nhân, kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2005 – 2010, giai đoạn 2011 – 2020 và từ năm 2021 đến nay, những hạn chế, yếu kém và giải pháp khắc phục nhằm góp phần triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào các nội dung: phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, hợp tác đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, đô thị...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn ghi nhận và biểu dương những kết quả mà tỉnh Hưng Yên đã đạt được, nhất là các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển về công nghiệp, đô thị; xây dựng kết cấu hạ tầng; kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp; công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm. Trong 2 năm qua, Hưng Yên đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Đồng chí Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng gợi mở một số vấn đề về: nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chuẩn bị tốt các điều kiện trong đó tập trung nguồn lực mà trọng tâm là nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu các ngành kinh tế. Chú trọng tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản nhấn mạnh kết quả đạt được sau hơn 16 năm triển khai thực Nghị quyết số 54-NQ/TW là nhờ sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã đưa Hưng Yên từ một tỉnh nghèo, thuần nông và độc canh cây lúa từng bước trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm; phân tích rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54-NQ/TW trong thời gian tới. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tập trung thực hiện tốt các định hướng đã nêu trong Nghị quyết số 54-NQ/TW gắn với thực hiện các quan điểm, chủ trương về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Cùng với đó chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…