Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện tại cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án/dự án thành phần quan trọng, trọng điểm đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố. Tại phiên họp lần thứ 7 của Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động hơn trong công việc, các địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ Thủ tướng giao, kết quả như sau: có 19 dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) được các địa phương tích cực triển khai, bám sát yêu cầu: Ninh Bình, Sơn La đang rà soát thủ tục, triển khai lập BCNCTKT các dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình, Hoà Bình - Mộc Châu đoạn qua Sơn La và sẽ hoàn thành các thủ tục để phê duyệt khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông; Thái Bình đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt BCNCTKT dự án cao tốc Ninh Bình - Hải phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình; Bộ Giao thông vận tải đã dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua tỉnh Tiền Giang; Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Mỹ An - Cao Lãnh.
Tuy nhiên có một số dự án tiến độ chưa đáp ứng như Kế hoạch là dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi; Bộ Giao thông vận tải, Hà Nội và Lâm Đồng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định BCNCKT DATP 3 vành đai 4 Hà Nội và dự án Cầu Giây - Tân phú, Tân phú - Bảo Lộc; Lạng Sơn đã hoàn thành thẩm định BCNCKT dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, dự kiến phê duyệt trong tháng 11/2023; Cao Bằng đã phê duyệt dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư…Công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời đường điện cao thế triển khai còn chậm so với yêu cầu. Tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Biên Hoà - Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đồng Nai chậm hơn nhiều so với mặt bằng chung các tỉnh; công tác chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại dự án Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng; dự án Hoà Liên - Tuý Loan triển khai từ tháng 02/2023 đến nay chưa bàn giao thêm được mặt bằn…
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện các dự án đồng thời kiến nghị những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, tập trung một số vấn đề về vốn, công tác thẩm định, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giải phóng mặt bằng…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực, quyết liệt hơn nữa, tăng cuòng phối hợp đồng bộ, hiệu quả để xử lý các khó khăn, vướng mắc, giảm bớt thủ tục hành chính, giải quyết các công việc theo thẩm quyền không đùn đẩy, né tránh, kịp thời báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền; các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình; tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết các khó khăn về nguyên, vật liệu, bảo đảm kỹ thuật, vệ sinh môi trường và làm tốt các công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư theo yêu cầu đảm bảo người dân có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi cũ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền; phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới để việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải hiệu quả hơn./.
Nguồn tin: hungyen.gov.vn