Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Cùng dự phiên họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo: Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa quan trọng tới sự phát triển của thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Cùng với sự nỗ lực phối hợp của các địa phương, đến nay việc triển khai dự án đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Tại phiên họp, các đại biểu cần tập trung thảo luận các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo báo cáo, dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km, qua địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh. Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần. Tuy nhiên, do dự án phức tạp, đi qua địa bàn 15 quận, huyện của 3 địa phương, đến nay mới phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1, 2.1 và hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 đang được Hội đồng Thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định. Các dự án thành phần 1.2, 1.3, 2.2, 2.3 do UBND tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh là cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức thẩm định.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết: Tỉnh Hưng Yên được Quốc hội giao chủ quản dự án thành phần 1.2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên và dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Hưng Yên thuộc Dự án xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng thủ đô Hà Nội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, thời gian qua UBND tỉnh đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đến nay, việc triển khai dự án trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án thành phần 1.2; đã hoàn thành xong công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2.2 và đã hoàn thành hồ sơ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2.2 và trình cấp có thẩm quyền thẩm định từ ngày 16/1/2023. Đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1.2 và 2.2, đã đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổng diện tích thu hồi trong phạm vi giải phóng mặt bằng đạt 273,5ha/19,3km… Trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có một số khó khăn, vướng mắc như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số huyện không còn quỹ đất ở và đất nghĩa trang phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân nên việc xây dựng khu tái định cư và khu nghĩa trang mới phải được phê duyệt điều chỉnh bổ sung trong quy hoạch sử dụng đất mới triển khai được. Tuy nhiên trình tự, thủ tục bổ sung quy hoạch sử dụng đất rất lâu nên làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án. Kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng vượt so với Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội khoảng 2.227 tỷ đồng… Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án như: Cho phép tỉnh sử dụng kinh phí nguồn làm lương cấp tỉnh để bố trí số kinh phí tăng trong công tác giải phóng mặt bằng; Ban Chỉ đạo tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Hưng Yên được phép phê duyệt dự án thành phần theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được thực hiện sau. Các bộ, ngành ưu tiên thẩm định và có ý kiến tham gia đối với dự án thành phần 1.2 và 2.2 gửi về tỉnh trước ngày 12/3/2023 để làm căn cứ phê duyệt dự án thành phần, đáp ứng tiến độ tổng thể chung của dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1.2: Bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên…
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị Ban Chỉ đạo trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của các địa phương về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành có phương án xử lý trong thời gian sớm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo sớm có ý kiến phản hồi cho phép các địa phương trong việc linh hoạt sử dụng nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng…
Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận sự nỗ lực, linh hoạt của các địa phương trong việc trển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ thực hiện dự án đang chậm so với yêu cầu. Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện dự án. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng tình, ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng; có cơ chế, chính sách linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ, bảo đảm không có sai sót trong việc xác minh nguồn gốc đất... Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra.