Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đối số và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị… trên cơ sở bám sát thực tiễn và dự báo tình hình, nhất là các công nghệ mới phát triển nhanh như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi-khối), ChatGPT…
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến… Đối với việc triển khai thực hiện Đề án 06, đến nay đã có 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; 58/63 địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp trên 78,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử…
Tại Hưng Yên, năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành và ban hành văn bản chuyển đổi số được thực hiện kịp thời, bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tế của tỉnh. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ, kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng; mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị cả 3 cấp từ tỉnh, huyện, xã; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp được trên 10,5 nghìn hộp thư điện tử; 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành có tích hợp chữ ký số… Đối với việc triển khai thực hiện Đề án 06, đến nay, số lượng thẻ căn cước công dân được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân đạt gần 799 nghìn thẻ bảo hiểm y tế; cấp được hơn 1 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip…
Năm 2023, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đề ra nhiều mục tiêu quan trọng về dữ liệu số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, an toàn, an ninh mạng như: Tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục đạt 100%; tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 100%; tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt trên 16%; trình ban hành Luật Căn cước công dân sửa đổi; nhân rộng, triển khai trên toàn quốc với 2 dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí trên toàn quốc…
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đổi số và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, nhất là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối và chia sẻ dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới quản trị…; đề xuất nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 và tổ chức triển khai thực hiện. Việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu. Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, đặc biệt là tình trạng lộ, lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Phát biểu tại điểm cầu của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng yêu cầu các ngành, địa phương trong thời gian tới đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tích cực tham mưu UBND tỉnh trong việc xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách về công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt đẩy mạnh xây dựng chính quyền số theo chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; căn cứ tình hình chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện theo dõi, đôn đốc thực hiện các nhóm chỉ tiêu cụ thể; chủ động triển khai xây dựng chính quyền số theo định hướng của tỉnh; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh thực hiện chấm điểm việc chuyển đổi số, bảo đảm khách quan; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ công chức trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ được giao để nâng cao hiệu quả công tác trong thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; tập trung rà soát, cập nhật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…