Ngày 29.9, tại tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến thúc đẩy thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm triển khai 3 đột phá chiến lược: Thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, nền kinh tế số, công dân số; đẩy mạnh công cuộc đổi mới trên cơ sở lấy người dân là trung tâm, là động lực, là mục tiêu và là chủ thể của sự phát triển. Tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên được chọn làm điểm thực hiện đề án.
Hội nghị đã đánh giá kết quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày đối với 11 dịch vụ công thiết yếu của Công an tỉnh; hoàn thành thực hiện 11/14 dịch vụ công thiết yếu của các sở, ngành. Tỉnh Thái Nguyên có 1.023 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia…
Tại hội nghị, các bộ, ngành và các địa phương đã tham luận, đóng góp ý kiến để nâng cao hiệu quả thực hiện đề án như: Tạo lập dữ liệu số; nâng cấp hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu: Thời gian tới, lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt để thực hiện tốt từng chỉ tiêu của đề án; đồng thời quán triệt và tạo sự lan tỏa đến các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Đặc biệt quan tâm tới việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được xác định từ nay đến hết năm 2022. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong đề án...
Phát biểu tại điểm cầu của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng khẳng định ý nghĩa to lớn của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí yêu cầu thời gian tới, Công an tỉnh là nòng cốt, cùng với các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ của đề án, nhận thức đúng vai trò của đề án đối với mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo lập công cụ đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu của đề án; thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.