Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh
Tại Hưng Yên, hội nghị được kết nối tới hơn 300 điểm cầu trong toàn tỉnh với trên 44 nghìn đại biểu tham gia nghiên cứu, học tập. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh…
Theo kế hoạch, chương trình hội nghị diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/12.
Mở đầu hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã truyền đạt các nội dung Nghị quyết số 27–NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27). Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 27 là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Để thực hiện được mục tiêu mà nghị quyết đề ra, đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã phân tích sâu 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện như: Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…