Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Hội trường Diên Hồng – Tòa nhà Quốc hội đến các tỉnh, thành phố và 11.661 điểm cầu cấp huyện và cấp xã với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập Nghị quyết.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh…
Trong buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt nội dung chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, gồm các nội dung chính: Các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; Tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; Quan điểm, mục tiêu về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; Nhiệm vụ, giải pháp và việc tổ chức thực hiện.
Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực phát triển; căn cứ tính chính trị và tính pháp lý, Nghị quyết nêu rõ tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, Đất đai là vấn đề hệ trọng, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Do đó đặt ra những mục tiêu, yêu cầu mới về phát triển đất nước trong giai đoạn tới, đòi hòi phải đổi mới mạnh mẽ, căn bản công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là chính sách, pháp luật về đất đai. Vì vậy, việc hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông; hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số... là nhiệm vụ cần tập trung thực hiện.
Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại.
Xuất phát từ yêu cầu và thực tiễn hiện nay, Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đưa ra 6 nhóm giải pháp. Một trong số đó là hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, cụ thể: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai…
Giải pháp quan trọng nữa được nêu trong nghị quyết là cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, không để bị suy thoái, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng nhấn mạnh: thực hiện tốt vấn đề này mới có thể khắc phục những hạn chế trong nhận thức và hành động trong công tác quản lý và sử dụng đất đai.
Sau nội dung quán triệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cán bộ, đảng viên dự hội nghị nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh triển khai, quán triệt Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Buổi chiều, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ truyền đạt chuyên đề “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.