Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản phát biểu khai mạc Kỳ họp
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của chính quyền các cấp; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực, phấn đấu, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách địa phương năm 2022; tỉnh Hưng Yên đã chuyển nhanh, thành công sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; khẩn trương mở cửa trở lại nền kinh tế, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội với các giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt gắn với đẩy mạnh mở rộng tiêm vắc xin phòng Covid-19 toàn dân. Tại Kỳ họp thứ Mười một HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng, đề nghị các vị đại biểu tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sát thực có chất lượng vào các nội dung trình tại Kỳ họp, góp phần quan trọng để Kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Tại Kỳ họp, Bà Quách Thị Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022.
Thay mặt UBND tỉnh, ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. Theo đó, với mục tiêu tạo môi trường ổn định cho phát triển, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thích ứng an toàn, linh hoạt bảo vệ tối đa sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các tổ chức, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức song kinh tế của tỉnh phục hồi và tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 13,4%, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Tăng trưởng của từng ngành đều vượt kế hoạch đề ra, trong đó: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5% (KH 8,7%; năm 2021 tăng 9,28%); giá trị sản xuất xây dựng tăng 41,52% (KH: 5%, năm 2021 tăng 0,59%); giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 19,32% (KH 5,5%, năm 2021 tăng 3,38%); nông nghiệp, thủy sản duy trì mức tăng trưởng 2,5% (KH tăng 2,2%, năm 2021 tăng 2,93%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, cụ thể năm 2022: Công nghiệp, xây dựng chiếm 63,91%; Thương mại, dịch vụ chiếm 28,60%; Nông nghiệp, thủy sản chiếm 7,49% (KH: Công nghiệp, xây dựng 64%, thương mại dịch vụ 28%, Nông nghiệp, thủy sản 8%; năm 2021: Công nghiệp, xây dựng 63,46%, thương mại, dịch vụ 27,95%, Nông nghiệp, thủy sản 8,59%). GRDP bình quân đầu người 102,3 triệu đồng, đạt 107,68% kế hoạch, tăng 16,1% (KH 95 triệu đồng, năm 2021 đạt 88,1 triệu đồng). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 57.618 tỷ đồng, tăng 45,53% so năm 2021. Năng suất lao động ước đạt 196 triệu đồng/lao động, tăng 11,8% (năm 2021 đạt 169 triệu đồng/lao động, tăng 5,81%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 60.938 tỷ đồng, tăng 61,1%(năm 2021: 37.824 tỷ đồng); Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.300 triệu USD, đạt 112,5% kế hoạch, tăng 1,25% so cùng kỳ năm 2021 (KH 5.600 triệu USD; năm 2021 đạt 5.479 triệu USD). Thu ngân sách tăng đột biến, tổng thu ngân sách năm 2022 ước đạt 50.850 tỷ đồng, đạt 260,4% dự toán, tăng 2,67 lần so với năm 2021. Tổng chi ngân sách 16.069,6 tỷ đồng, đạt 88,6% dự toán. Dự kiến có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 15 khu dân cư được công nhận khu dân cư kiểu mẫu; tỷ lệ đô thị hóa đạt 43,5%; toàn tỉnh có thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số lên 428/539 trường đạt chuẩn quốc gia. Duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%; tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức 118,6 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,6%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 40,29% (KH 37,5%). Tuổi thọ trung bình trên 74 tuổi; 9,3 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân. Tạo việc làm mới cho 2,5 vạn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 68%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28,5%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới còn 1,94%, giảm 0,61%. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa 89,7%; tỷ lệ gia đình văn hóa 92,2%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa 92%. Cải cách hành chính có chuyển biến rõ rệt; xếp hạng các chỉ số các chỉ số cải cách hành chính được cải thiện đáng kể, cụ thể: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố, tăng 39 bậc; Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2020.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Mười một - HĐND tỉnh khóa XVII
Kỳ họp thứ Mười một, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận để thông qua một số nghị quyết về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2023 và các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, có một số nghị quyết quan trọng, tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh như: Nghị quyết quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp chính quyền địa phương và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025; Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành, nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu vực dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc chi kinh phí hỗ trợ đối với cộng tác viên dân số tại thôn, tổ dân phố, khu dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng và định mức trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định về mức thu một số loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến...
Tại Kỳ họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh trình bày Báo cáo tình hình chấp hành pháp luật và công tác kiểm sát năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023; Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh trình bày báo cáo công tác xét xử năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Buổi chiều các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận tại các tổ thảo luận và kết thúc ngày làm việc thứ nhất.
Ngày mai, 09.12, Kỳ họp bước sang ngày làm việc thứ hai và bế mạc. Theo dự kiến nội dung, chương trình làm việc của ngày làm việc thứ hai như sau: Báo cáo Tổng hợp ý kiến tham gia tại các Tổ thảo luận; các cơ quan hữu quan trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu, giải trình làm rõ thêm những vấn đề cử tri quan tâm và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh nêu; thông qua các Nghị quyết của Kỳ họp; bầu cử, miễn nhiệm một số chức danh thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh; bế mạc Kỳ họp.