Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa kiểm tra tiến độ thi công Dự án xây dựng đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án: Cải tạo, nâng cấp ĐT.380; cải tạo nâng cấp ĐT.385; tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2; xây dựng đường bên nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài; xây dựng đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376; xây dựng nâng cấp đê tả sông Luộc kéo dài.
Theo báo cáo của các đơn vị, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài được triển khai thi công từ tháng 12.2021. Hiện tại, liên danh nhà thầu đã triển khai thi công trên toàn bộ phạm vi mặt bằng đã được bàn giao. Trong đó phần đường đang triển khai thi công đào khuôn đường, xử lý nền đất yếu, đắp cát K95, đắp lớp K98, thi công một số cống ngang, kè trọng lực. Phần cầu đang triển khai thi công hạng mục móng cọc khoan nhồi. Giá trị khối lượng thực hiện đến nay ước đạt 250/2.317 tỷ đồng.
Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 đã thi công đạt gần 50% khối lượng công trình. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, đơn vị thi công đang tổ chức 5 mũi thi công. Theo kế hoạch, dự kiến đến cuối tháng 6.2023 dự án sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành công trình vào tháng 12.2022, rút ngắn thời gian thi công 6 tháng so với hợp đồng.
Dự án xây dựng nâng cấp đê tả sông Luộc kéo dài có tổng mức đầu tư xây dựng hạng mục công trình là 114 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện nay, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu sẽ hoàn thành trước tháng 10.2022.
Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.380 có tổng chiều dài trên 4,2km, được thi công từ cuối năm 2020. Đến nay, các địa phương đã bàn giao được khoảng 3,3/4,2km mặt bằng cho đơn vị thi công; giá trị thi công được 33/66,6 tỷ đồng, đạt 50% tổng số vốn. Hiện nay, dự án còn khoảng 900m trên địa bàn huyện Văn Lâm gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.385 có chiều dài trên 8,8 km, được thi công từ tháng 11.2020. Đến nay, đơn vị thi công đã thảm mặt đường bê tông nhựa được 3,3km. Giá trị khối lượng thi công thực hiện được khoảng 55/141 tỷ đồng (đạt 38,9% tổng khối lượng). Hiện nay, dự án còn vướng 1,7km chưa được GPMB tại xã Lương Tài và xã Chỉ Đạo (Văn Lâm).
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài có tổng mức đầu tư gần 2,9 nghìn tỷ đồng. Dự án được triển khai thi công từ ngày 8.12.2021. Hiện tại, liên danh nhà thầu đã triển khai thi công trên toàn bộ phạm vi mặt bằng đã được bàn giao. Trong đó: Phần đường đang triển khai thi công đào khuôn đường, xử lý nền đất yếu, đắp cát K95, đắp lớp K98, thi công một số cống ngang, kè trọng lực. Phần cầu đang triển khai thi công hạng mục móng cọc khoan nhồi... Giá trị khối lượng thực hiện đến nay ước đạt 250/2.317 tỷ đồng.
Dự án xây dựng đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+550) với ĐT.376 có tổng chiều dài 7,58km, tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 11.2021, đến nay, đơn vị thi công đã triển khai thi công xong hạng mục xử lý đất nền, cầu Điện Biên; các hạng mục khác như: Đào đất, đắp cát, thi công cống ngang… đạt khoảng trên 45% khối lượng. Hiện nay, còn 0,65km tại các xã Chính Nghĩa, Nhân La (Kim Động) và khu dân cư thôn Nhân Lý, xã Nguyễn Trãi (Ân Thi) đang tiến hành các bước GPMB.
Kiểm tra tại các dự án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công tập trung tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó, cần chú trọng tới công tác GPMB, đặc biệt là các vị trí phải GPMB trên diện tích đất thổ cư. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của các dự án, tạo sự đồng thuận cao trong việc bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho đơn vị thi công; bố trí vị trí tái định cư cho các hộ dân trong diện phải giải tỏa. Quá trình thực hiện cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng công trình; chú trọng an toàn lao động, an toàn giao thông; xây dựng lịch trình, kế hoạch cụ thể cho từng hạng mục thi công. Phấn đấu hoàn thành sớm các dự án để đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề ra kế hoạch thời gian cụ thể trong công tác GPMB, thi công các hạng mục công trình để các địa phương, đơn vị thi công thực hiện.