Trong buổi sáng, đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại cống Xuân Quan thuộc địa bàn xã Xuân Quan, huyện Văn Giang. Tiếp đó, khảo sát tại cống Xuân Thụy, thuộc địa bàn xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Buổi chiều cùng ngày, đồng chí Bộ trưởng cùng đoàn công tác tiếp tục khảo sát thực tế tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm; hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thăng Long II và tại cống Cầu Xe, thuộc xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Sau chương trình khảo sát thực tế, chiều cùng ngày, tại Trụ sở HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên, đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương về đánh giá thực trạng ô nhiễm, tình hình quản lý, xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) báo cáo tổng quan tình hình ô nhiễm, những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, hiện trạng công tác quản lý xử lý nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và định hướng giải pháp.
Theo kết quả điều tra các nguồn thải nước thải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, các nguồn thải vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải gồm nước thải công nghiệp, nước thải từ các hộ chăn nuôi, nước thải từ các làng nghề, nước thải từ các cơ sở y tế, nước thải dân sinh. Ngoài ra, tại đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận lượng nước bị ô nhiễm có nguồn từ nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, sinh hoạt dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua địa bàn Thành phố Hà Nội, đây được coi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải hiện nay. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và đã xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 318 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh, thành phố báo cáo về công tác quản lý chất lượng và sử dụng nguồn nước đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Các đại biểu tham dự buổi làm việc thảo luận, trao đổi, bàn giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn nêu một số giải pháp của tỉnh Hưng Yên trong bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải như: Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong cộng đồng; triển khai có hiệu quả Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn; thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tiếp tục quan trắc chất lượng nước sông Bắc Hưng Hải và các dòng sông, kênh, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu quan trắc chất thải đối với các cơ sở có phát sinh lưu lượng nước thải lớn; thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Về phía tỉnh Hưng Yên, trong thời gian tới sẽ xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án chuyên đề về bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đồng chí kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập ban chỉ đạo có sự phối hợp liên ngành, liên địa phương với quyết tâm lớn, bố trí nguồn lực để xử lý ô nhiễm đang tồn tại và ngăn chặn các nguồn ô nhiễm mới phát sinh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan tới ô nhiễm nguồn nước nói chung và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nói riêng.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh yêu cầu sự vào cuộc sâu sát, hiệu quả, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Thông qua cuộc khảo sát và buổi làm việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp các ý kiến, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ xây dựng đề án về xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đề nghị các địa phương, đơn vị chuyên môn xây dựng mạng lưới quan trắc nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và duy trì quan trắc thường xuyên . Kiểm soát các dự án đầu tư, khu sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường nói chung cũng như môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nói riêng.