Cùng đi khảo sát thực địa về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo một số địa phương trong vùng dự án.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án và các đại biểu khảo sát thực địa tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3km, đi qua 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. Đến ngày 31/10, tỉnh đã hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao cho UBND các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm để tổ chức GPMB. Phấn đấu trước tháng 12/2022, hoàn thành tổ chức khảo sát, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi từng dự án thành phần; đến tháng 1/2023, hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần...
Tại buổi khảo sát thực địa, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án cũng như tiến độ mà Trung ương đã giao. Hưng Yên phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ: giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và xây dựng đường song hành. Tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương để thực hiện dự án đúng tiến độ, chú trọng công tác GPMB, cắm mốc, xác định các khu tái định cư. Đồng chí nhấn mạnh mốc thời gian cần lưu ý theo tiến độ của Trung ương giao là tháng 12/2023 về cơ bản phải hoàn thiện công tác GPMB.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như: Đề nghị UBND thành phố Hà Nội thống nhất và bàn giao cọc tim tuyến dự án thành phần 3 (đường cao tốc) để các địa phương tổ chức khảo sát, lập dự án đường song hành. Chủ trì, báo cáo Chính phủ xem xét có cơ chế cho các tỉnh áp dụng việc ứng vốn khi chưa có quyết định phê duyệt dự án để có kinh phí chi trả việc di chuyển mộ nhằm bảo đảm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng dự án. UBND thành phố Hà Nội thống nhất cơ chế áp dụng chính sách GPMB đối với 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, nhất là các xã, huyện giáp ranh; chủ trì, báo cáo cấp có thẩm quyền về số kinh phí thực hiện các dự án thành phần 1 trên địa bàn 3 tỉnh đã vượt so với mức vốn bố trí theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Qua khảo sát thực địa dự án, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của tỉnh Hưng Yên. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, song tỉnh Hưng Yên đã chủ động đề ra các biện pháp tháo gỡ. Nhờ đó, các phần việc liên quan đến GPMB đã và đang được triển khai đồng bộ. Đồng chí Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án khẳng định, khối lượng công tác GPMB dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội rất lớn, trong đó, nhiều phần việc khó khăn, như: di dời mồ mả, hệ thống công trình điện... Trong khi đó, tiến độ Trung ương giao là năm 2026 cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2027. Đối với một số vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền cấp tỉnh, các tỉnh, thành phố sẽ tập hợp và báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, trước hết là vấn đề chỉ giới đường đỏ; chính sách trong di dời mồ mả; cơ chế bố trí vốn cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng mới nghĩa trang... Ban chỉ đạo triển khai dự án xác định, GPMB, tái định cư là khâu trọng điểm phải đi trước. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, các tỉnh, thành phố phải tiên lượng các vấn đề khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh để đề ra chính sách phù hợp, cần thiết; sớm có hướng dẫn bổ sung, thống nhất, bảo đảm thông suốt, thuận lợi cho các địa phương thực hiện việc đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư.