CHÚC MỪNG NĂM MỚI - XUÂN QUÝ MÃO 2023, CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, "CÔNG KHAI - MINH BẠCH - CHÍNH XÁC - HIỆU QUẢ", "VĂN MINH - THÂN THIỆN - TRÁCH NHIỆM ", LẤY NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM ĐỂ PHỤC VỤ; SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LÀ THƯỚC ĐO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ PHỤC VỤ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
  04/01/2024     |  Lượt xem 804   

Giao ban đôn đốc tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội

Ngày 4/1, tại Trụ sở Tỉnh ủy Hưng Yên, Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (Ban Chỉ đạo) tổ chức hội nghị giao ban đôn đốc tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

 

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Cùng dự hội nghị có đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo, dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km, qua địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh. Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Đến nay, Thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 93,92% tổng diện tích cần thu hồi, di chuyển 11.540/15.556 ngôi mộ…

Đối với nhóm dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành, Dự án thành phần 2.1 hiện đang được triển khai trên toàn tuyến với 32 mũi thi công (bao gồm 23 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu). Tổng giá trị hợp đồng của 4 gói thầu thuộc Dự án thành phần 2.1 khoảng 4.691 tỷ đồng; sản lượng thi công đến nay ước đạt khoảng 422 tỷ đồng. Đối với Dự án thành phần 2.2 (trên địa bàn tỉnh Hưng Yên), hiện nay đã tổ chức 4 mũi thi công đường. Tổng giá trị hợp đồng của gói thầu thuộc Dự án thành phần 2.2 khoảng 1.253 tỷ đồng, sản lượng thi công đến nay đạt 13 tỷ đồng…

Về tình hình giải ngân, thanh toán, đối với Thành phố Hà Nội, kế hoạch vốn đã bố trí đến nay là hơn 11 nghìn tỷ đồng; đã giải ngân đến nay là hơn 7,6 nghìn tỷ đồng. Đối với tỉnh Hưng Yên, kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí là hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Đối với tỉnh Bắc Ninh, kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí là hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, thời gian qua UBND tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, UBND Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), động viên, khuyến khích Nhân dân bàn giao sớm mặt bằng, UBND tỉnh đã đề xuất một số cơ chế trong công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận. Trong đó, hỗ trợ thêm việc di chuyển mộ đúng tiến độ 2 triệu đồng/ngôi; tăng mức hỗ trợ thưởng tiến độ GPMB đất ở và đất nông nghiệp theo mức tăng của tỉnh Bắc Ninh và Thành phố Hà Nội... Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB diện tích đất nông nghiệp, đất công, đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có một số khó khăn, vướng mắc như: Việc thực hiện các trình tự, thủ tục GPMB khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB dự án; tình trạng khan hiếm vật liệu cát để thi công xử lý nền đất yếu làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án… Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn kiến nghị cho phép tỉnh sử dụng kinh phí nguồn làm lương cấp tỉnh để bố trí số kinh phí tăng trong công tác GPMB;  UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục xem xét tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Hưng Yên được tổ chức thực hiện việc thu hồi đất theo Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng hạ tầng (san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông) tại khu đất tái bố trí cho các doanh nghiệp nằm trong phạm vi GPMB Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội phải di dời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB dự án; đồng ý cho tỉnh Hưng Yên bổ sung hạng mục thu hồi đất vào trong Dự án thành phần 1.2 (Dự án thành phần 1.2 đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt chỉ bồi thường bằng tiền, chưa có cơ chế bồi thường bằng đất cho doanh nghiệp)…

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, hiện nay, tỉnh Hưng Yên đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị Ban Chỉ đạo trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của các địa phương về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành có phương án xử lý trong thời gian sớm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo sớm có ý kiến phản hồi cho phép các địa phương trong việc linh hoạt sử dụng nguồn vốn cho công tác GPMB…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận sự nỗ lực, linh hoạt của các địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết. Trong đó, công tác thẩm định, phê duyệt hạng mục di chuyển công trình ngầm nổi, đặc biệt là công tác di chuyển tuyến đường dây điện cao thế từ 110KV đến 500KV còn chưa đáp ứng tiến độ đề ra; tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt Dự án thành phần 3 còn chậm... Do đó, các địa phương cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng tình, ủng hộ công tác GPMB. Các bộ, ngành quan tâm, xem xét, sớm có văn bản thẩm định đối với hồ sơ thiết kế thi công hạng mục di dời hệ thống điện 110kV, 220kV và 500kV trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ khai thác theo cơ chế đặc thù làm cơ sở để các địa phương công bố giá vật liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán cho nhà thầu; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai áp dụng hình thức chỉ định thầu theo đúng nội dung của Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án…

Các đại biểu kiểm tra thực địa tình hình thi công xây dựng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Các đại biểu kiểm tra thực địa tình hình thi công xây dựng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Trước đó, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã đến kiểm tra thực địa tình hình thi công xây dựng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Nguồn tin: baohungyen.vn

 
Liên kết web
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 450016